image banner

image
image
image
image
image

THCS Tân Xuân
TRƯỜNG THCS TÂN XUÂN THỰC HIỆN LỒNG GHÉP BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG MÔN NGỮ VĂN

Bình đẳng giới không chỉ là một vấn đề xã hội mà còn được lồng ghép tinh tế trong chương trình giáo dục, đặc biệt là môn Ngữ văn. Thông qua các tác phẩm văn học, học sinh không chỉ tiếp cận với cái đẹp của ngôn từ mà còn được nuôi dưỡng tư tưởng tiến bộ về sự công bằng và tôn trọng giữa nam và nữ. Với mục tiêu “Tháng hành động vì bình đẳng giới”, tổ chuyên môn đã triển khai chuyên đề “Lồng ghép bình đẳng giới trong môn Ngữ văn”.

anh tin bai

                 Hình ảnh giáo viên tham dự chuyên đề " Lồng ghép bình đẳng giới trong môn Ngữ văn"

Môn Ngữ văn ở cấp THCS thường mang đến những bài học sâu sắc về các giá trị nhân văn, trong đó có vấn đề bình đẳng giới. Nhiều tác phẩm văn học kinh điển và hiện đại đã phản ánh rõ nét cuộc đấu tranh của con người, đặc biệt là phụ nữ, để khẳng định vai trò và tiếng nói của mình trong xã hội.

Trong xã hội phong kiến, người phụ nữ thường bị đặt dưới sự áp đặt nặng nề của tư tưởng "trọng nam khinh nữ" và những quy định khắt khe như Tam tòng, Tứ đức. Điều này khiến cuộc sống của họ bị bó buộc trong những khuôn khổ đầy bất công. Phụ nữ chủ yếu được xem là người nội trợ, chăm sóc gia đình và phải phụ thuộc hoàn toàn vào người chồng. Họ không có quyền tham gia vào các quyết định lớn trong gia đình hay ngoài xã hội. Nhiều phụ nữ bị xem là “công cụ” để nối dõi tông đường, bị đối xử bất công khi không sinh được con trai. Những bất công này được phản ánh rõ nét trong văn học trung đại Việt Nam qua các tác phẩm truyền thống như Chuyện Người Con Gái Nam Xương (Nguyễn Dữ) hay Truyện Kiều (Nguyễn Du), hình tượng người phụ nữ hiện lên với vẻ đẹp về tâm hồn, đức hạnh nhưng lại phải chịu nhiều bất công từ định kiến xã hội. Điều này khơi gợi sự cảm thông và trăn trở của học sinh về vấn đề bình đẳng.

anh tin bai
anh tin bai

                Hình ảnh học sinh hứng thú chia sẻ về người phụ nữ ngày xưa

Nhờ những thay đổi xã hội và phong trào đấu tranh vì quyền phụ nữ, hình ảnh người phụ nữ trong xã hội hiện đại đã có những bước chuyển mình tích cực. Phụ nữ ngày nay không chỉ tham gia mà còn giữ vai trò lãnh đạo trong nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học. Các tên tuổi nổi bật của tỉnh Bình Phước như: bà Tôn Ngọc Hạnh – Bí thư Tỉnh uỷ, bà Trần Tuệ Hiền – Chủ tịch UBND tỉnh đã chứng minh rằng phụ nữ có khả năng vượt trội trong vai trò lãnh đạo. 

anh tin bai

Hình ảnh học sinh hứng thú chia sẻ về người phụ nữ ngày nay

Có thể thấy, phụ nữ được đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục, việc làm và chăm sóc sức khỏe như nam giới. Các tổ chức và luật pháp quốc tế, như Công ước CEDAW (Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ), đã tạo nền tảng cho sự bình đẳng này.

Như vậy, việc lồng ghép các nội dung về bình đẳng giới trong môn Ngữ văn được coi là cầu nối xây dựng ý thức bình đẳng giới. Điều đó không chỉ giúp học sinh phát triển khả năng ngôn ngữ mà còn trang bị cho các em những giá trị đạo đức và nhân văn quan trọng. Thông qua việc giảng dạy và học tập các tác phẩm văn học, thế hệ trẻ được trang bị nhận thức và tư tưởng tiến bộ, góp phần xây dựng một xã hội nơi mọi người đều được tôn trọng và có cơ hội bình đẳng để phát triển./.

 

                      Nguồn tin: Tổ Ngữ văn – trường THCS Tân Xuân

 

 

TRƯỜNG THCS TÂN XUÂN

Chịu trách nhiệm: Hiệu trưởng - Trịnh Thị Phương Mai

 Địa chỉ: Số 6, Lê Quý Đôn, phường Tân Xuân, Đồng Xoài, Bình Phước

Số điện thoại: 02713 700 999

Email:  tanxuanthcsdx@gmail.com | Quản trị

Thiết kế bởi VNPT Bình Phước