GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 9
Tên
sách
:
TÔI KỂ EM NGHE
CHUYỆN TRƯỜNG SA
Nguyễn Xuân Thủy
Quần đảo Trường
Sa, vùng biển – đảo xa xôi nơi tuyến đầu Tổ quốc không chỉ là xứ sở sóng gió mà
còn luôn chứa đựng những điều bí ẩn không phải ai cũng có cơ hội được thưởng
ngoạn, khám phá.
Cuộc sống ở
Trường Sa có gì đặc biệt và thiên nhiên nơi đây quyến rũ như thế nào là điều mà
chắc hẳn các bạn nhỏ của chúng ta rất muốn biết phải không? Nhưng để vượt qua
chặng đường gần năm trăm hải lí ( tương đương với cả ngàn cây số ) đến với
Trường Sa là một việc không dễ dàng chút nào. Bởi vậy, hôm nay cô sẽ hướng dẫn các
em cùng đi tham quan Trường Sa bằng một “tour” du lịch đơn giản hơn thông qua quyển
sách “Tôi
kể em nghe chuyện Trường Sa” của tác giả Nguyễn Xuân Thủy, được NXB
Kim Đồng phát hành vào năm 2011. Quyển sách dày 92 trang, khổ 21 cm.
Các em biết
không, mỗi chuyến đi Trường Sa, thường thì một con tàu phải mất từ bảy đến mười
ngày mới đủ thời gian ghé thăm các đảo trong Quần đảo. Và với khoảng thời gian
đó, mỗi chuyến đi cũng chỉ có thể tham quan được một tuyến đảo ở phía bắc hay
phía nam mà thôi. Còn chúng ta, bằng “chuyến du lịch đặc biệt” qua từng trang
viết, chú Xuân Thủy sẽ đưa các em ghé thăm hầu hết các đảo để biết thêm về cuộc
sống, thiên nhiên, cây cối, loài vật … nơi đây. Bây giờ, chúng ta hãy cùng tìm
hiểu về Trường Sa ngay nhé!
Đến với quyển
sách này, các em sẽ như thấy mình đang bước
vào một cuộc phiêu lưu, đúng hơn là một cuộc hành trình vạn dặm ra Trường Sa. Cuộc
hành trình đặc biệt này gồm 6 phần: Bắt đầu là hành trình Ra đảo.
Phần 1 : Ra
đảo.
Nào, các em đã
sẵn sàng chưa? Hãy nhanh chân bước lên tàu từ trang 5 đến trang đến trang 17. Con
tàu này có gì khác với những con tàu biển thông thường? Rồi cảm giác ăn, ngủ
trên tàu có gì thú vị? Còn những cơn say sóng thì sao? Cô nghĩ nó sẽ không làm
vơi đi sự tò mò khám phá Trường Sa vì các em sẽ được chứng kiến bao nhiêu là chuyện li kì mà là chuyện thật một trăm phần
trăm đấy.
Đó là một lần,
tàu hải quân của ta bị mất liên lạc với đất liền. Trong khi các chú bộ đội đang
gần như bị lạc giữa biển khơi bao la thì bỗng nhiên có một chú cá hiện lên mặt
nước. Nó đã kêu lên những tiếng rất thân thiện như thể ra hiệu cho con tàu đi
theo mình. Và chuyện gì đã xảy ra? Liệu chú cá này có dẫn con tàu đi đúng hải
trình không?
Còn nữa, giữa
vùng trời nước bao la ấy, những sinh vật sống trong môi trường đặc thù cũng có
những khả năng tưởng như “ngược đời” đấy: đó là có một loài cá vốn sống ở dưới
nước nhưng có khả năng bay được trên không và ngược lại, có một loài chim vốn sống
ở trên trời nhưng chúng lại có thể đậu được
trên … sóng. Thật tuyệt vời phải không? Các em hãy đọc sách để cùng khám
phá nhé.
Sau những ngày
lênh đênh trên biển, chúng ta sắp được đặt chân lên đảo. Ồ, đảo kia rồi! Các em
ạ! Thời tiết ở Trường Sa có thể chia ra làm hai mùa, mùa biển động và mùa biển
lặng.
Bây giờ thì
chúng ta hãy đi vào thế giới lãng mạn của mùa biển lặng từ trang 18 đến trang
38 của quyển sách này.
Phần 2: Mùa
biển lặng.
Thì ra, Trường
Sa không chỉ là đảo xa, là đảo giông bão mà dưới ngòi bút của tác giả - đó còn là
một xứ sở diệu kì, xứ sở thần tiên như cổ tích.
Từ những hạt cát
có cấu tạo rất đặc biệt đến các loài cây
với những cái tên nghe thật lạ, rồi cả những con vật đáng yêu có mặt trên đảo
theo cách thức nhập cư từ đất liền nữa … Dưới ngòi bút tài hoa của nhà văn, tất cả đã được
biến hóa thật sinh động và hài hước.
Còn nhiều điều bất
ngờ và hấp dẫn nữa. Ví như chuyện “giếng thần” chẳng hạn. Đảo Trường Sa lớn có
một giếng nước ngọt trong vắt. Giếng nước này đã cung cấp cho bộ đội nguồn nước
để sinh hoạt hằng ngày. Thế nhưng, tại sao nước giếng mà lại không thể nấu ăn
được? Các em hãy tìm hiểu xem sao.
Và cũng trong
phần 2 này, các em sẽ được đến thăm đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn để biết được
cuộc sống ở đây khó khăn như thế nào? Lòng người trên đảo ra sao ?
Đi qua mùa biển
lặng, chúng ta tiếp tục cuộc hành trình đến với:
Phần 3: Mùa biển động.
Vào mùa này,
thiên nhiên không còn hiền lành, dịu êm mà nó vô cùng hung dữ, mạnh mẽ và khắc
nghiệt. Vậy trước những điều kiện khó khăn ấy, con người ở Trường Sa đã ứng phó
với thiên nhiên và chế ngự chúng ra sao để tồn tại? Chúng ta hãy cùng khám phá
Trường Sa trong mùa biển động từ trang 39 đến trang 49 để tìm câu trả lời.
Cũng trong phần này,
chú Thủy sẽ giải thích cho các em biết vì sao có gió muối và sóng bạc đầu? Phải
chăng chúng chỉ có trong mùa biển động?
Bỏ lại nỗi buồn
mùa biển động, chúng ta hãy tiếp tục cuộc
hành trình thăm đảo ở:
Phần 4: Kì
thú biển trời Trường Sa.
Mặt biển và bầu
trời Trường Sa luôn chứa đựng những điều kì thú. Các em sẽ được tận hưởng những
sắc màu khác nhau của biển. Đó là những màu gì? Còn cầu vồng Trường Sa thì sao?
Nó có gì khác so với cầu vồng trong đất liền? Hãy mở sách ra từ trang 50
đến trang 60, các em sẽ được đi từ bất
ngờ này đến ngạc nhiên khác cho mà xem.
Ngay cả chuyện
về “quái vật bí ẩn” trên biển mà chỉ trong nháy mắt nó đã nuốt chửng cả một con
tàu khổng lồ nữa. Khủng khiếp quá phải không? Quái vật gì mà ghê sợ thế nhỉ? Các
em sẽ tìm thấy nó ở trang 63 ngay đấy.
Nhắc đến Trường
Sa là nhắc đến biển. Mà biển thì có vô vàn những điều kì thú. Các em đã từng
xem các chương trình truyền hình về thám hiểm đại dương hay thế giới động vật
chưa? Nếu chưa, hãy cùng cô thám hiểm đáy biển Trường Sa qua phần 5.
Phần 5: Thám
hiểm đáy biển Trường Sa.
Dưới đáy biển
Trường Sa của nước ta cũng có nhiều điều thú vị lắm. Mời các em theo chân các chú
bộ đội hải quân đi biển để được lạc vào chốn thủy cung với những sắc màu huyền
ảo cùng muôn loại cá, tôm, cua, ốc … mà có những loài có thể lần đầu tiên trong
đời em được thấy.
Qua ngòi bút sắc
sảo của tác giả, những sinh vật biển này càng trở nên hấp dẫn với bạn đọc hơn. Chẳng
hạn như chuyện thi thoảng khi đi đánh lưới về, trong lưới của các chú bộ đội xuất hiện một “cục rêu” xù xì to bằng bắp tay.
Nhìn kĩ thì hóa ra cục rêu biết động đậy, có râu và có càng nữa. Sinh vật gì mà
trông có vẻ kì quái vậy ? Các em sẽ được tìm hiểu về nó ở trang 67 của quyển
sách này.
Các em ạ! Nói
đến Trường Sa không thể không nhắc đến các chú bộ đội đang làm nhiệm vụ canh
giữ đảo. Để giữ mãi được vùng biển kì thú này có công sức rất lớn của các chú.
Chúng ta hãy đến thăm các chú bộ đội Trường Sa ở:
Phần 6: Những
người giữ đảo.
Vậy những người
giữ đảo ở đây là ai? Họ thuộc những binh chủng nào? Họ đã gắn bó với Trường Sa ra
sao? Hãy tìm đến trang 76 để được chú Thủy kể lại cặn kẽ cho em nghe.
Một điều đặc
biệt nữa là ở Trường Sa hiện nay còn có thêm cả những công dân nhỏ tuổi. Chắc
hẳn các em đang thắc mắc tại sao các bạn nhỏ lại có mặt ở Trường Sa phải không?
Cuộc sống trên đảo của các bạn ấy ra sao? Có giống như chúng ta ở đất liền
không? Các em hãy đến thăm bạn mình ở trang 80,81 ngay nhé.
Các em biết
không, từ hàng trăm năm nay, khi làm chủ Trường Sa, các thế hệ cha ông của
chúng ta đã tốn biết bao công sức với sự dũng cảm, tinh thần chịu đựng, khắc
phục khó khăn, thậm chí còn phải đổi bằng cả tính mạng để giữ gìn từng hòn đảo
nhỏ trong Quần đảo này. Có thể nói, mỗi hạt cát, viên sỏi trên đảo đều thấm đẫm
mồ hôi và máu của các thế hệ người Việt Nam. Hãy bước tới trang 86 của
quyển sách này để được nghe kể lại chiến dịch giải phóng Quần đảo Trường Sa gắn
liền với kì tích của đoàn tàu không số diễn ra oanh liệt như thế nào?
Ngày nay, tuy
Trường Sa đã được giải phóng và thuộc quyền quản lí của Việt Nam nhưng vẫn là vị trí bị các thế
lực ngoại bang dòm ngó. Trường Sa vẫn luôn cần được bảo vệ từng ngày, từng giờ.
Và những chú bộ đội của chúng ta luôn có mặt để làm nhiệm vụ đó. Chính vì thế,
các chú ấy rất cần những lời hỏi thăm, động viên để các chú làm việc thật tốt,
chắc tay súng giữ gìn biển đảo cho chúng ta, để Trường Sa mãi mãi là của Việt Nam.
Các em có thể viết thư và đề ngoài bì thư: “Kính
gửi các chú bộ đội Trường Sa – Tỉnh Khánh Hòa”. Đó là lời nhắn gởi của tác
giả ở những trang cuối của quyển sách này. Cô nghĩ, đây là một việc làm rất có
ý nghĩa và các chú bộ đội Trường Sa sẽ vui lắm nếu nhận được thư của các em
đấy!
Các em yêu quý!
Quyển sách “Tôi
kể em nghe chuyện Trường Sa” được viết bằng những trải nghiệm của chính nhà văn
từ những năm tháng sống, công tác ở đảo cùng sự quan sát đầy tinh tế, ngôn ngữ
miêu tả đặc sắc, lối văn thuyết minh chân thực với nụ cười khe khẽ hóm hỉnh
thấp thoáng trong câu chữ,… tác giả đã đem đến cho người đọc một bức tranh toàn
cảnh về Quần đảo Trường Sa – một phần máu thịt không thể tách rời của đất mẹ
Việt Nam. Ấn phẩm này đã vinh dự được nhận giải vàng sách hay năm 2012 của Hội
xuất bản Việt Nam
trao tặng. Và “Gói quà nhỏ” chưa đầy 100 trang sách được chú Xuân Thủy đem từ
Trường Sa về đã không bỏ lỡ một điều gì đặc biệt nơi đây. Quyển sách đã mang
Trường Sa xích lại gần hơn với cuộc sống ở đất liền. Cô tin rằng, khi đọc xong quyển
sách bổ ích này, các độc giả nhí của cô sẽ thêm yêu hơn vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Và quyển sách
hiện đang được trưng bày trong tủ sách đạo đức của thư viện trường mình với kí
hiệu xếp giá từ số 384 đến 388. Mời các em hãy nhanh chân bước tới thư viện để
được tham quan Trường Sa ngay nhé.
Cô sẽ đón các em tại thư viện mỗi ngày đấy.
Thân chào và hẹn gặp lại các em!
Tân
Xuân, ngày 27 tháng 8 năm 2016
Người thực hiện
Mai Thị Hoà